Nằm im lìm trong khuôn viên Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM là một nhà giam hơn trăm tuổi vẫn còn vẹn nguyên nhưng ít ai để ý.
Ít ai biết rằng bên trong “nhà thương điên Chợ Quán” (tức Bệnh viện Nhiệt đới ngày nay) tồn tại một nhà giam hơn 150 tuổi, từng là nơi giam giữ những tên tuổi lớn trong thời kỳ cách mạng như Trần Phú, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Trỗi. Theo ghi chép lịch sử, nhà giam này được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1875. Công năng ban đầu là để điều trị chuyên biệt các bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Chợ Quán.
Sau đó, nhằm phục vụ mục đích hỏi cung, thực dân Pháp đã tập hợp các tù nhân chính trị đang điều trị tại đây để tra khảo thông tin cách mạng. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đã có nhiều chiến sĩ cách mạng đã trở thành tù nhân tại nhà giam cổ kính này.
Khu trại giam được thiết kế hình chữ U, từ cửa nhìn thẳng vào là khu trại giam nữ và phía bên phải là khu trại giam nam. Trải qua hai thời kỳ thực dân và đế quốc, song nhà giam vẫn giữ được lối kiến trúc thuộc địa, trần nhà lợp mái âm dương, dưới lớp mái ngói là một miếng lưới sắt; sàn nhà được ốp bằng gạch tàu. Dưới thời Pháp, các bục để gông cùm tù nhân được làm bằng gỗ nhưng đến thời Mỹ, chúng đã được thay thế bằng các khối xi-măng lạnh toát như các nhà tù Phú Quốc hay Côn Đảo.
Phòng giam nữ tuy chật hẹp nhưng là khu vực đón nhiều nắng nhất nhờ hệ thống cửa sổ to và chạy dọc vách tường.
Những hành lang dài và sâu của nhà giam khiến tôi bất giác rùng mình vì càng đi sâu, không khí u ám và lạnh lẽo càng bao trùm dù đang là giữa trưa. Các bức tường đã xuất hiện rễ cây đâm lên từ khe hở; những gông cùm vẫn còn nguyên trạng trong một vài phòng giam; những căn phòng nằm khuất bên trong không thể đón nắng mặt trời khiến cho không gian thêm phần ma mị.
Ngoài các phòng giam tiêu chuẩn ra, người Pháp còn cho xây dựng một khu biệt giam các tù nhân mắc những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cần cách ly với các tù nhân khác.
Nhà vệ sinh chung của các tù nhân.
Đặc biệt nhất đó là căn phòng giam nơi Trần Phú, vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, đã từ trần tại đây vì bệnh lao vào ngày 6/9/1931. Lời nói cuối cùng của ông gửi đến những người bạn tù là:
Hãy giữ vững ý chí chiến đấu.
Hiện nay, tại căn phòng này vẫn còn để di ảnh của ông, thi thoảng những người trông nom lại đặt vào đây một bình bông hoặc một cành hoa để nhắc nhớ thế hệ sau về một nhà lãnh đạo kiên trung.
Đối lập với không gian bên trong, bên ngoài nhà giam hiện nay đã trở thành một khu vườn nho nhỏ toả bóng mát cho các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới. Và có lẽ họ cũng không biết rằng đằng sau lưng họ đây, những viên gạch, mái hiên, khung cửa… là chứng nhân cho một thời kỳ đầy đau thương của dân tộc.
Không khó để bạn tới được đây vì nhà giam nằm ngay bên phải khu nhà ăn, cách cổng chính ra vào chỉ tầm 100m. Di tích hiện nay thuộc quản lý của Trung tâm văn hoá Quận 5 nên lưu ý rằng bạn phải được sự cho phép của Trung tâm trước khi tham quan nhé!
Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn có thể truy cập vào địa chỉ website ttvhq5.com.vn hoặc liên lạc trực tiếp đến số điện thoại 028 3855 6161.
Nguồn: saigoneer.com